Nguồn gốc và đặc điểm cà phê Robussta
Robusta hay còn gọi là cà phê vối.
Thuộc giống Canephora (danh pháp: Coffea canephora var. Robusta), cùng với C.Arabica đây là một trong hai loại cà phê được trồng thương mại chủ yếu trên thế giới. Robusta còn là giống chủ lực của ngành cà phê Việt Nam, góp phần giữ vị trí thứ 2 về sản lượng cà phê. Tuy nhiên, cũng cần biết rằng Robusta chỉ chiếm dưới 30% tổng cơ cấu sản xuất cà phê toàn cầu, phần còn lại thuộc về giống Arabica và các giống con của nó.
Nguồn gốc và phân bố cây cà phê Robusta
Coffea Canephora – Cà phê Robusta được phát hiện lần đầu tiên ở Congo – Bỉ (thuộc châu Phi) vào những năm 1800. Coffea canephora còn là một loại cây bản địa của các khu rừng nhiệt đới xung quanh Hồ Victoria ở Uganda. Cà phê Robusta được đưa vào Đông Nam Á vào những năm 1900, sau khi bệnh gỉ sắt (Coffee Leaf Rust – CLR) đã quét sạch toàn bộ giống Arabica ở Sri Lanka năm 1869 (hay 1867 theo Wiki), đồng thời tấn công hầu hết các đồn điền ở Java – Indonesia năm 1876. Hiện tại Robusta chiếm từ 30% đến 40% tổng sản lượng cà phê thế giới, phổ biến ở Tây và Trung Phi, Đông Nam Á, Trung – Nam Mỹ chủ yếu là Brazil (nơi nó được gọi là Conillon).
Phân bố cây cà phê Robusta trên toàn thế giới 2017
Phân bố cây cà phê Robusta trên thế giới 2017
Đặc điểm thực vật học
Với đặc tính sinh vật học tương tự các giống cà phê phổ biến khác, Robusta phát triển dạng cây bụi, nhưng kích thước lớn hơn, có độ cao lên đến 10m. Vì vậy cà phê Robusta được trồng ở mật độ thấp hơn Arabica vì kích thước tán cây lớn. Độ cao sinh trưởng của cây cà phê Robusta chỉ trong tầm 0 – 800m, nên tương đối dễ trồng trọt. Bù lại Robussta yêu cầu lượng mưa khá lớn (từ 2200 – 3000mm) vì vậy cà phê Robusta chịu hạn rất kém.
Cà phê Robussta tại Kontum - Việt Nam
Cà phê Robusta (cà phê vối) tại Kontum – Việt Nam
Cà phê Robusta có một số ưu điểm nổi trội so với cây cà phê Arabica như khả năng chống bệnh gỉ sắt (CLR), sâu đục thân, các bệnh tuyến trùng,.. và cho năng suất cao hơn cà phê Arabica nhiều. Vì những lý do này, chi phí trồng Robusta tương đối thấp so với giống Arabica. Mặt khác, không có khả năng chịu đựng các điều kiện hạn hán kéo dài, chịu lạnh kém (nhiệt độ tối thích trong khoảng (18 – 36oC), cho thu hoạch trễ, sản lượng không ổn định so với Arabica, đây là một số thuộc tính tiêu cực của cà phê Robusta.
Đặc tính hương vị cà phê Robusta
Hương vị của cà phê Robusta luôn được đánh giá là kém cạnh hơn so với Arabica từ trước đến nay, chất vị đậm, chát và đắng hơn, đặc biệt độ chua – Acidity cao hơn Arabica. Kể từ khi cà phê Arabica được cho là có chất vị mượt mà với axit cao hơn và một hương vị phong phú hơn, chúng thường được coi là cao cấp. Thêm vào đó các khu vực trồng và chế biến cà phê Robusta hầu hết tập trung chế biến khô (thay vì chế biến ướt như các giống Arabica), dẫn đến hương vị càng chát đắng hơn, có mùi đất, khét khi rang.
Trong tự nhiên, Chlorogenic Acid (CGA) và Cafein có vai trò giúp cây cà phê chống lại côn trùng, Vì cây Robusta có khả năng miễn nhiễm trước côn trùng mạnh hơn Arabica
Tuy nhiên bù lại thiệt thòi về chất vị, cà phê Robusta có hàm lượng Caffein trung bình cao gấp đôi so với Arabica (2% -2.5% so với 1.1% -1.5%). Vì vậy sự kết hợp cà phê Arabica cùng Robusta cho tổng hòa chất lượng tương đối cao hơn cà phê Arabica, chính vì điều này các loại cà phê Ý (Espresso) luôn có 10 -15% cà phê Robusta để tăng cường hương vị và tạo lớp Crema hấp dẫn hơn.
Và từ thực tiễn sản xuất cho thấy, cà phê Robusta khi được chế biến ướt có thể cho phẩm chất cao hơn các giống Arabica thông thường (vì Arabica có rất nhiều chủng loại và không phải loại nào cũng tốt). Nên sự so sánh Robusta và Arabica đôi khi không hoàn toàn chính xác.